Không gian văn hóa Hùng Vương
Đền Hùng núi Phượng Hoàng Lâm Đồng là mảnh đất cội nguồn của dân tộc từ ngàn đời vẫn còn lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc mà truyền thuyết dân gian là loại hình văn hóa độc đáo không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân dân ta được nuôi dưỡng, phát triển ngày càng phong phú làm giàu thêm kho tàng không gian văn hóa Hùng Vương.
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương và lễ hội – Những ký ức về Thời đại Hùng Vương
Thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc nhưng chưa có chính sử ghi chép lại một cách đầy đủ. Thời đại Hùng Vương tồn tại, đồng hành gắn liền với sự phát triển văn hóa Việt Nam bởi hiện đang tồn tại và lưu giữ một kho tàng văn hóa Hùng Vương mà trong đó mảng truyền thuyết dân gian chiếm vị trí quan trọng. Truyền thuyết dân gian Hùng Vương là linh hồn sống động góp phần to lớn tạo ra diện mạo Văn hóa Hùng Vương. Truyền thuyết dân gian là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, là nhịp cầu nối quan trọng kết nối giữa các thế hệ hôm nay với quá khứ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Mặc dù còn những nét mộc mạc, dung dị không cầu kỳ nhưng truyền thuyết dân gian đã phản ánh đa dạng cuộc sống sinh hoạt và truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông từ ngàn đời xưa.
Trong truyền thuyết, các triều đại Hùng Vương sống gần dân, vì dân, rất dân dã đời thường, bởi vậy trong không gian Vương triều Hùng Vương đóng đô (nay là địa bàn thành phố Việt Trì – tỉnh Phú Thọ), bất cứ một địa danh nào nơi này đều gắn với truyền thuyết phản ánh tập tục, đời sống sinh hoạt, lao động…của nhà Vua: cung điện của nhà Vua thuộc thôn Việt Trì (Khu Di tích khảo cổ làng Cả – nay thuộc phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì); Gò Tiên Cát là nơi Vua sai dựng lầu kén rể, hình thành câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh; khu cung lầu Vua và vợ con ở: Lầu Thượng, Lầu Hạ, Lầu Nam, Lầu Rồng, Gác Thượng, Lầu Thần, Gác Nguyệt, Lầu Trên, Lầu Dưới, Lầu Tả, Lầu Hữu, Lầu Long Tú, Lầu Long Hương, Lầu Thiên Bảo, Lầu Nhật Trung Đình (nay thuộc xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì); Lầu Phượng bên bờ sông Lô để Vua hóng mát và xem thuyền bè xuôi ngược (nay thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì); Nhà Thái miếu Vua thờ Tổ tiên, sau lập ra làng Thanh Miếu – nay thuộc phường Thanh Miếu – thành phố Việt Trì; Tháp Lọng (nay thuộc xã Kim Đức – thành phố Việt Trì) là nơi các Lạc hầu ở; Thôn Cẩm Đội (nay thuộc xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì) đặt trại huấn luyện quân sỹ; Đồng Lú (nay thuộc phường Minh Nông, thành phố Việt Trì) là ruộng của nhà Vua, dùng dạy dân làm ruộng lạc, cấy lúa chiêm; Chợ Lú Vua lập ra để mua bán thóc gạo; Gò Mã Lao là nơi Vua Hùng nghỉ ngựa khi đi săn; Đồi Hòa Phong (nay thuộc Phường Nông Trang, thành phố Việt Trì) là nơi để kho thóc và chứa rơm của Vua; xứ đồng Hương Trầm (nay thuộc phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) là nơi Hoàng tử Lang Liêu cấy nếp thơm làm bánh chưng, bánh dày dâng tiến nhà Vua; cũng tại đây có Vườn trầu nhà Vua; Làng Thậm Thình (nay thuộc phường Vân Phú – thành phố Việt Trì) là nơi dân giã gạo để dâng Vua; làng Khang Phụ (xã Chu Hóa), làng Cổ Tích (xã Hy Cương) có phần mộ của nhà Vua…
Các truyền thuyết dân gian thời Hùng Vương đã ăn sâu, bắt rễ trong đời sống tinh thần của nhân dân, mỗi làng, xã…Nhân dân đều lưu truyền những câu chuyện truyền thuyết dân gian thật hấp dẫn và sinh động về hình ảnh một ông Vua dân dã đời thường. Cụ Nguyễn Văn Hiểu, thôn Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ kể về Truyền thuyết Hát Xoan:
Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà chưa sinh được. Người hầu tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, hát hay nên đón về múa hát có thể làm cho Hoàng hậu đỡ đau và sinh nở được, Hoàng hậu nghe lời cho mời nàng Quế Hoa tới (Quế Hoa ở thành Phong Châu), vâng lời triệu Quế Hoa đền chầu vợ vua. Bấy giờ, vợ Vua đang đau đẻ dữ dội mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa hát hay, múa dẻo, Hoàng hậu mải xem múa hát không thấy đau, sinh được 3 người con trai khôi ngô tuấn tú. Khi ấy đang mùa Xuân, Vua Hùng hết lời khen ngợi nàng Quế Hoa và sai các Mỵ Nương học lấy các điệu múa hát đó sau này gọi là hát Xoan – Xoan là từ gọi chệch tiếng Xuân (vì vợ Vua tên thật là Xuân), do tục kiêng kỵ tên húy nên hát Xuân được gọi là hát Xoan.
Nhà nghiên cứu sử học địa phương Vũ Kim Biên, hiện đang sinh sống tại khu Hợp Hải, phường Minh Nông, Thành phố Việt Trì dựa theo sách Lĩnh Nam trích quái (thế kỷ 15) kể lại những câu chuyện truyền thuyết: Câu chuyện truyền thuyết bánh Dày, bánh Chưng; Câu chuyện truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa; Truyền thuyết quả Dưa hấu. Qua những câu truyện trên thời đại các vua Hùng đã hiện lên sống động và có tác dụng giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ sau.
Giá trị của truyền thuyết dân gian
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương đã tồn tại đồng hành cùng những bước thăng trầm với lịch sử dân tộc Việt Nam, đã xây dựng truyền thống yêu nước, thương dân, hình thành nên cốt cách tâm hồn con người Việt, hàm chứa những khát vọng về cuộc sống của cư dân Văn Lang với nền văn minh sông Hồng – văn minh trồng lúa nước.
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương ra đời phản ánh trình độ phát triển cao của cư dân nông nghiệp Văn Lang thể hiện qua xây dựng, kiến trúc tạo dựng lâu đài, thành quách, cung điện, luyện binh sĩ chống kẻ thù xâm lăng, biết chế biến lương thực thực phẩm (làm bánh), nghệ thuật diễn xướng (hát Xoan) và đặc biệt đã hình thành lễ thức thờ cúng tổ tiên, hình thành chế độ tộc quyền cha truyền con nối, đạo nghĩa cha con, vợ chồng… Truyền thuyết dân gian phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc từ kinh tế làm nương phát rẫy sang nền kinh tế trồng lúa nước.
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương ghi nhớ công ơn của các triều đại Hùng Vương, đặc biệt nó đã hóa thân vào cuộc sống đời thường của những nhân vật lịch sử gắn bó với cuộc sống đời thường của nhân dân thông qua những phong tục tập quán trong nghi lễ, tín ngưỡng, hôn nhân…thể hiện phép ứng xử, lễ tết, ngày hội… của cộng đồng. truyền thuyết dân gian là hạt nhân nhân văn trong đời sống tâm linh của người Việt để chuyển tải thông điệp sống cao quý của người xưa với thế hệ hôm nay.
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương có vị trí trong kho tàng văn hóa Hùng Vương bởi vì nó hiện thực hóa cuộc sống rất sinh động bằng những việc làm, những nghĩa cử rất bình dị gần gũi với đời sống thường nhật của nhân dân, Phản ánh lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Từ trong truyền thuyết hình ảnh các vị vua Tổ thuần hậu, chất phác trong cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia, phản ánh những ước nguyện của người lao động vì cộng đồng do vậy nó có sức sống mạnh mẽ trong công chúng.
Truyền thuyết dân gian có nội dung giáo dục sâu sắc đối với con người về phép ứng xử gia đình, xã hội, là sự gắn kết cộng đồng làng nước, thể hiện mối quan hệ tổng hòa giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Đồng thời, truyền thuyết dân gian là nền tảng để hình thành hệ thống lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa thời đại Hùng Vương.
Ngày nay, trước sự bùng nổ của thông tin và sự xâm nhập của văn hóa bên ngoài đang tác động vào đời sống cộng đồng, sự tăng trưởng nhanh của các phương tiện nghe nhìn hiện đại cùng với nhịp sống nhanh gấp gáp của con người trước tác động mạnh của nền kinh tế thị trường. Thị hiếu cảm nhận văn hóa có sự thay đổi, không loại trừ vốn truyền thuyết dân gian đang đứng trước thách thức có nguy cơ mai một, chúng ta phải luôn chủ động để tìm ra phương pháp, biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn vốn di sản văn hóa vô cùng quý báu này.
Một số giải pháp bảo tồn
Về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đặt ra nhiệm vụ cụ thể: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống… bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại.”
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương ra đời từ cộng đồng, nhân dân là chủ thể sáng tạo và lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu này, do vậy môi trường cộng đồng cũng chính là môi trường để duy trì, nuôi dưỡng, tái tạo hồi sinh truyền thuyết dân gian tốt nhất. Chúng ta đang phấn đấu để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở bảo tồn phát huy những vốn văn hóa cổ truyền tốt đẹp nhất của dân tộc. Bảo tồn và phát huy Văn hóa Hùng Vương trong giai đoạn hiện nay và tương lai đang đặt ra với tầm nhìn chiến lược cả bề rộng và chiều sâu với nhiều nội dung và phương thức. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải bảo tồn và phát huy như thế nào vốn truyền thuyết dân gian này khi chúng ta đang chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn yêu cầu cần có một số biện pháp bảo tồn theo nội dung sau đây:
Thứ nhất, trên cơ sở xây dựng không gian văn hóa Hùng Vương cùng với phát triển tiềm năng kinh tế du lịch của tỉnh Phú Thọ, cần tái tạo truyền thuyết Hùng Vương thông qua các công trình nghệ thuật văn hóa. Hiện tại, tốc độ đô thị hóa thành phố Việt Trì đang diễn ra với tốc độ cao, những địa danh gắn với nhiều truyền thuyết như phường Tiên Cát, phường Nông Trang, phường Dữu Lâu, phường Minh Nông… là những đơn vị hành chính trung tâm thành phố với mật độ dân cư lớn và tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh nhất, do đó xây dựng không gian văn hóa Hùng Vương cần đặc biệt chú trọng đến những địa điểm có liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương, phải quy hoạch tổng thể và ưu tiên dành quỹ đất tại những địa điểm này để tái tạo những công trình văn hóa, nghệ thuật, đưa truyền thuyết vào hiện thực cuộc sống thông qua những không gian thiêng như mô phỏng tái tạo Lầu kén rể của nhà Vua tại phường Tiên Cát, phục dựng vườn trầu nhà Vua, duy trì cánh đồng trồng nếp thơm của Hoàng tử Lang Liêu tại phường Dữu Lâu, bảo tồn Đồng Lú (tại phường Minh Nông) – nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa… nhằm tạo sức hấp dẫn du khách đồng thời bảo tồn được giá trị văn hóa trong mỗi câu chuyện truyền thuyết dân gian.
Thứ hai, tiếp tục sưu tra, sưu tầm truyền thuyết dân gian thông qua các nghệ nhân, những bậc cao niên trong vùng và ngoại tỉnh. Tiến hành điều tra sưu tầm, thu thập bằng văn tự, băng ảnh, phim ảnh làm cơ sở để phục hồi truyền thuyết dân gian đã bị mai một, những nghi thức trình thức đã bị thất truyền và có nguy cơ thất truyền… Có phương án lưu giữ, bảo tồn bằng các phương tiện hiện đại như thu băng, ghi đĩa để lưu trữ, bảo quản lâu dài; đồng thời chuyển tải truyền thuyết dân gian bằng các loại hình sân khấu hoá, nghệ thuật hóa để trình diễn, giới thiệu quảng bá, lưu giữ và truyền dạy cho các thế hệ mai sau thông qua các hoạt động văn hóa mang tính chuyên nghiệp và không chuyên như hội diễn, hội thi kể chuyện về truyền thuyết dân gian trong những dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa làng, xã… Truyền thuyết dân gian chỉ có linh hồn và sức sống khi chính nhân dân là người vừa sáng tác, vừa lưu giữ và trình diễn. Coi truyền thuyết dân gian là đặc sản văn hóa Hùng Vương để giới thiệu và quảng bá với du khách trong nước và quốc tế tại Lễ hội Đền Hùng hằng năm và ở các địa phương đang thờ Hùng Vương.
Thứ ba, truyền thuyết dân gian có tác động sâu sắc đến tình yêu quê hương đất nước, gợi mở sự hiểu biết về nguồn gốc tổ tiên do đó cần đưa truyền thuyết dân gian Hùng Vương vào giáo dục trong nhà trường ở mọi cấp độ giáo dục. Nội dung cần chọn lựa để phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và từng cấp học. Từng bước đa dạng hóa hình thức dạy và học như thông qua chuyện kể, thông qua học nhạc và có cả chương trình ngoại khóa điền dã đi thực tế tại vùng đất Tổ để học sinh hiểu được và có tư duy tìm về nguồn cội cha ông và dân tộc mình.
Thứ tư, với mục đích chung là bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thuyết dân gian Hùng Vương, chúng ta phải hiểu được những cái hay, cái đẹp, tính nhân văn cao cả trong mỗi câu truyện truyền thuyết dân gian để có tư duy và tình cảm tìm đến nhân lên những cái hay hơn, cái đẹp hơn và mặt tích cực của cha ông để lại. Có đầu tư nghiên cứu về lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của truyền thuyết dân gian Hùng Vương và vai trò ảnh hưởng của nó đối với phong tục, tập quán, lối sống và nếp nghĩ của con người trong đời sống văn hóa cộng đồng. Khai thác các trò chơi, trò diễn độc đáo, trên cơ sở đó tuyên truyền phổ biến nhằm phát huy những mặt tích cực của truyền thuyết làm giàu thêm kho tàng văn hóa Hùng Vương.
Thứ năm, phục dựng và bảo tồn những lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết Hùng Vương như Lễ hội tịch điền, lễ hội hát Xoan, tục thi gói bánh Chưng, thi giã bánh Dày và các lễ hội liên quan đến thời đại Hùng Vương… cả về nội dung và hình thức tạo thêm kho tàng phong phú cho Lễ hội Đền Hùng. Kiên quyết đề phòng và bài trừ những biểu hiện tư tưởng đi ngược lại với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, lợi dụng lễ hội dân gian để hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng thờ Hùng Vương để gây diễn biến tâm lý, chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Truyền thuyết dân gian Hùng Vương là sản phẩm văn hóa ra đời được kết tinh từ quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã và đang góp phần làm đẹp và phong phú di sản văn hóa dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị của truyền thuyết dân gian Hùng Vương và truyền lại cho các thế hệ mai sau là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
(Sưu tầm)