Cổ phục Tea Resort Prenn – Lưu giữ tinh hoa văn hóa Việt
Tọa lạc tại đỉnh núi Phượng Hoàng uy nghiêm bậc nhất, Tea Resort Prenn luôn cố gắng gìn giữ, trân trọng và đưa cổ phục – tinh hoa của văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới.
Việt Nam vốn là một đất nước có nền văn hóa lâu đời. Trong suốt quá trình phát triển và thay đổi của lịch sử, con người Việt Nam cũng có những trang phục của riêng mình mà mỗi trang phục đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, của giai đoạn lịch sử. Sau mỗi tấm áo là lịch sử, sau sự trở lại của cổ phục là tình yêu và sự trân trọng đối với tinh hoa văn hóa dân tộc.
Ở nước ta, mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc như áo Nhật Bình, áo tấc, áo đối khâm, áo giao lĩnh… Điển hình nhất là áo tấc và áo Nhật Bình. Áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc mặc khi xuất giá. Cổ phục này có tên Nhật Bình bởi hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực. Thân áo được trang trí bởi hoa văn dạng hình tròn khép kín, đan xen với các hình phượng múa, hoa lá. Ở tay áo có dải màu ngũ hành lục, vàng, xanh, trắng, đỏ.
Áo tấc hay còn gọi là áo ngũ thân, áo lễ, áo thụng là loại trang phục phổ biến từ dân thường cho đến quan lại, vua chúa đều mặc vào thời Nguyễn. Áo này gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài, cài khuy, áo lót bên trong màu trắng, với cổ đứng cài cúc, tà áo chắp từ năm mảnh vải, mặc cùng với quần dài trắng và khăn vấn. Ngoài ra, còn có nhiều những bộ cổ phục khác như áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo tứ thân…
Chụp ảnh với cổ phục Việt là cách nhiều người thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tọa lạc tại đỉnh núi Phượng Hoàng uy nghiêm bậc nhất, Tea Resort Prenn luôn cố gắng gìn giữ, trân trọng và đưa cổ phục – tinh hoa của văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới.